Lợi ích của phương pháp giáo dục ‘đi chân đất’ ở Nhật Bản

Trong 10 năm qua, Nhật Bản đã áp dụng phương pháp giáo dục "đi chân đất" để tập cho trẻ em thích ứng với tự nhiên, chống lạnh, chạy nhảy... để nâng cao thể chất.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự khác biệt cả về thể chất và trí tuệ giữa nhóm trẻ không bao giờ đi chân đất và nhóm trẻ có đi chân đất.

Trẻ em Nhật được khuyến khích đi chân trần trên bãi biển, bãi cỏ, đi bộ trên cát, hay các tấm ván gỗ được đặt an toàn trong trường học. Ảnh: Aboluowang.


Trái với quan điểm của nhiều bậc cha mẹ rằng trẻ em nên đi giày dép để đảm bảo vệ sinh, tránh ốm đau... do các dây thần kinh ở bàn chân nhạy cảm, người Nhật vẫn khuyến khích trẻ cởi giày, tất để đi chân trần.

Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là trẻ đi chân trần hàng ngày, mà chúng được khuyến khích đi chân trần trên bãi biển, bãi cỏ, đi bộ trên cát, hay các tấm ván gỗ được đặt an toàn trong trường học. Đôi khi, trường còn tổ chức các "sự kiện chân đất" đẻ học sinh tham gia.

Vậy, tác dụng của phương pháp giáo dục "chân đất" này là gì?

Thúc đẩy phát triển của não bộ

Bàn chân là cơ quan vận động quy tụ 6 kinh mạch, 66 huyệt đạo, là nơi tập trung của rất nhiều dây thần kinh. Do đó, trẻ đi chân trần trên mặt đất, hay giẫm lên sỏi, đá có thể có tác dụng giúp xoa bóp, kích thích thần kinh. Ngoài ra, những thay đổi về nhiệt độ, hình dáng bề mặt tiếp xúc... có thể mang lại những cảm nhận khác nhau cho trẻ, giúp kích thích não bộ phát triển toàn diện.

Cải thiện trí nhớ

Một thử nghiệm của Đại học Bắc Florida, Mỹ, thực hiện trên nhóm tình nguyện viên 72 người, độ tuổi từ 18-44 tuổi, được chia thành hai nhóm, một nhóm chạy bằng giày, nhóm kia chạy chân trần. 16 phút sau, hai nhóm bước vào một cuộc kiểm tra. Kết quả cho thấy trí nhớ của nhóm chạy chân trần được tăng cường đáng kể. Khi tập bằng chân trần, não bộ của con người sẽ được kích hoạt và hoạt động mạnh mẽ hơn để tránh chướng ngại vật, nhằm bảo vệ bàn chân không bị thương tích. Điều này kích thích vùng ghi nhớ của não bộ, giúp cải thiện trí nhớ.

Tạo "vòm" bàn chân cân đối

Thống kê trên 1.127 trẻ từ 3-6 tuổi Trung Quốc cho thấy khoảng 33,98% trẻ bị bàn chân bẹt. Chứng này có thể gây đau lòng bàn chân, biến dạng ngón chân cái, viêm gân gót chân... Vì thế, để vòm chân phát triển tốt, nên cho trẻ đi chân trần, cởi bỏ giầy tất bảo hộ, để bàn chân vừa với mặt đất nhằm thúc đẩy sự phát triển của cơ chân, vòm chân cũng trở nên đều và cân đối hơn.

Tăng cường thể lực

Theo quan sát, 80% vóc dáng của trẻ được cải thiện rõ rệt, sau khi thực hiện cho trẻ đi chất đất từ 6 tháng tới một năm. Hoạt động này thúc đẩy quá trình phát triển chiều cao của trẻ. Gan bàn chân tập trung tuyến mồ hôi chân dày đặc, đây là hệ thống điều tiết thân nhiệt của trẻ, tuy nhiên chúng chưa hoàn thiện. Vì thế, việc cho bé đi chân trần cũng giúp tản nhiệt dưới lòng bàn chân, tăng lưu thông máu, giảm hiện tượng lạnh tay chân. Khi tuần hoàn máu của cơ thể được tăng cường, quá trình trao đổi chất và khả năng miễn dịch của bé cũng được cải thiện theo.

Thùy Linh (Theo Aboluowang)