“Mười năm trước, khi mỗi lứa học sinh tốt nghiệp, khuôn viên trường sẽ xuất hiện tiếng hò hét của học sinh xen lẫn tiếng của những trang sách bị xé nát và vứt lên không trung, như một cách học sinh tốt nghiệp ăn mừng việc chúng được ‘giải thoát’. Đằng sau niềm vui đấy của học sinh là sự đau đớn của các thầy cô, khi điều này chứng tỏ việc học tập không mang lại vui vẻ cho các em”, thầy Đỗ Chính Quyền, người phụ trách dàn nhạc giao hưởng dành cho học sinh của trường Hội Sư, kể lại.
“Phụ huynh và học sinh khi đó theo đuổi điểm thành tích một cách mù quáng, và điều đó chỉ khiến con của họ biến thành ‘nô lệ của bài tập’, ‘cỗ máy thi cử’. Nhất là tại những vùng còn lạc hậu, học sinh chỉ biết có điểm thành tích còn chúng tôi chỉ có thể đào tạo ra những học sinh siêng năng”, thầy Đỗ kể tiếp.
“Câu hỏi được đặt ra khi đó là làm thế nào để các thầy cô có thể giúp học sinh tìm ra niềm vui trong học tập. Hiệu trưởng khi đó là thầy Ngô Thái Tường và tôi nhận ra rằng, các nhà khoa học lỗi lạc như Albert Einstein, Tiền Học Sâm,… đều coi nghệ thuật là ‘yếu tố khai thông’ khi gặp bế tắc. Do vậy, chúng tôi chọn sử dụng âm nhạc để tìm ra lời giải cho vấn đề liệu chúng tôi có thể đào tạo nhân tài thông qua việc giáo dục mang tính nghệ thuật và học tập vui vẻ hay không”, thầy Đỗ cho biết.
Theo Tân Hoa Xã, “lớp học Einstein” đã được thành lập vào tháng 8/2011 ở trường Hội Sư, và đây cũng là dàn nhạc giao hưởng của học sinh đầu tiên ở huyện Hội Ninh thuộc tỉnh Cam Túc.
Vì thế, nhiều năm qua ở trường Hội Sư không chỉ có âm thanh của sách vở, mà còn có tiếng du dương của nhạc cụ mỗi ngày.
“Văn hóa của con người cần đa dạng, như vậy mới có thể tiếp xúc với niềm đam mê sáng tạo. Chúng tôi cần dùng tới giáo dục nghệ thuật để bồi dưỡng đạo đức, từ đó mở ra tương lai cho học sinh. Không chừng, chúng tôi có thể đào tạo ra một nhà khoa học như Albert Einstein”, thầy Đỗ nói thêm.
Tuy nhiên theo thầy Đỗ, ý tưởng này lúc đầu gặp nhiều trở ngại khi các phụ huynh nghi ngờ về tính khoa học. Họ lo lắng việc học sinh tham gia dàn nhạc giao hưởng sẽ khiến thành tích học tập bị thụt lùi.
Tuy nhiên, vào năm 2013, các học sinh của “Lớp học Einstein” không những được mời biểu diễn ở phòng nhạc Wiener Musikverein tại thủ đô Vienna của Áo, mà còn đạt tỷ lệ thi đậu vào cấp 3 ở mức 100%, cao hơn hẳn các lớp khác.
“Lý do học sinh có thể đạt kết quả tốt là do các em cảm thấy hạnh phúc. Chính niềm hạnh phúc đó đã làm biến mất sự khô khan của các từ vựng tiếng Anh hay những công thức toán học gây ra.
Chúng tôi hoàn toàn có thể thay đổi được tư duy, cải biến được quan niệm, giải phóng tư tưởng và biến trường học thành ‘thiên đường’ của thanh thiếu niên, đồng thời để học sinh trở thành những người tài giỏi và hạnh phúc”, thầy Đỗ nói.
Giáo dục nghệ thuật không nên là 'môn học phụ'
"Lớp học Einstein" ở trường Hội Sư đã cho mọi người hy vọng về sự phát triển của giáo dục chất lượng ở những khu vực lạc hậu.
Bảy hay 8 năm trước, hình ảnh học sinh chăm chỉ như những con nòng nọc trên sân chơi vào buổi sáng và lúc chạng vạng là hình ảnh đại diện cho tinh thần học tập chăm chỉ, nhưng giờ đây, "Lớp học Einstein" đã trở thành 'tấm danh thiếp' mới của ngành giáo dục Hội Ninh.
Song - một cựu thành viên của dàn nhạc, năm nay 21 tuổi, sắp tốt nghiệp ngành Hóa học ứng dụng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Thượng Hải nói cuộc sống của mình ngoài những dụng cụ thí nghiệm thì nhạc cụ cũng là thứ không thể thiếu.
"Sau khi tốt nghiệp THCS, tôi chưa bao giờ từ bỏ âm nhạc, tôi còn tự học trống và các loại nhạc cụ khác, cùng bạn bè thành lập ban nhạc. Dàn nhạc đã làm phong phú thêm cuộc sống của tôi".
Trong khi đó, Liu, người từng chơi kèn trombone của dàn nhạc tốt nghiệp ngành biểu diễn âm nhạc vào năm nay cho hay sẽ trở về quê hương để trở thành một giáo viên dạy nhạc.
"Tôi bước ra từ nơi nhỏ bé này. Mọi người tin tưởng hơn, và tôi cũng đã chọn âm nhạc là mục tiêu theo đuổi cả đời của mình ".
Theo quan điểm thầy Đỗ, giáo dục giống với làm nông nghiệp hơn là công nghiệp. Học sinh cần đất, ánh sáng mặt trời, độ ẩm và không khí để phát triển. Chỉ bằng cách huy động các yếu tố khác nhau, học sinh mới có thể phát triển và trở thành tài năng.
Giáo dục nghệ thuật vì thế không nên là một môn học phụ.
Nhiều lớp học tương tự "Lớp học Einstein" với nhiều loại hình nghệ thuật khác đã có mặt trong các trường học ở Hội Ninh.
Thầy Đỗ tin rằng chính sách giảm tải cho học sinh mà Trung Quốc đang thực hiện là tôn trọng sự phát triển của con người và phù hợp với giáo dục. Thời gian rảnh rỗi, tất cả học sinh đều học các lớp tự chọn ở trường, điều này không chỉ nâng cao hiệu quả, chất lượng học tập mà còn loại bỏ những cản trở đối với sự phát triển cá nhân lành mạnh của trẻ em.
Để học sinh vừa thích học vừa phát triển theo sở thích của mình trong môi trường thoải mái, nếu tiếp tục lâu dài, tất yếu các em sẽ hình thành thói quen tốt là học tập suốt đời.
Tuấn Anh (Theo Tân hoa xã)