Một nhà triết học Pháp từng nói: "Bạn có biết phương pháp nào để biến con thành bất hạnh? Chính là chiều theo ý con".
Người xưa có câu nói: "Nghèo không được nghèo giáo dục, khổ không được khổ con cái". Nhiều bậc cha mẹ đã sống như vậy.
Năm 2018 từng xảy ra một vụ án chấn động Trung Quốc. Yang Mou 32 tuổi, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vị Hà (Thiểm Tây), là con một trong gia đình nên cha mẹ không để phải chịu một chút ấm ức nào từ nhỏ. Đến khi ra xã hội, nếm trải những khó khăn, Yang Mou mới thấy cuộc sống không hề dễ dàng. Mỗi ngày Yang đều nghĩ làm sao để kiếm tiền một cách nhanh chóng.
Một ngày nọ, Yang Mou mua bảo hiểm cho cha mẹ, bao gồm cả tai nạn ngoài ý muốn và thương tật cao. Sau đó, anh ta đích thân nấu cho bố mẹ món thịt bò bỏ thêm hỗn hợp chất độc có chứa nitrite (muối diêm) - hay sử dụng trong ngành công nghiệp bảo quản thực phẩm. Yang Mou gắp miếng thịt có độc vào bát bố mẹ, nhưng vì yêu nên cặp vợ chồng già dành hết cho con. Yang Mou tiếp tục bỏ nitrite vào nước cho bố mẹ uống. Anh ta nhìn cha mẹ mình vật lộn, rồi mở bình xăng để tạo ra cảnh ngộ độc khí gây tử vong.
Sự ra đời của bị kịch này tất nhiên do sự mất nhân tính của Yang Mou, nhưng lý do sâu xa hơn là tình yêu quá mức của cha mẹ dành cho hắn.
Jean-Jacques Rousseau (nhà triết học Pháp) từng nói: "Bạn có biết phương pháp nào để biến con thành bất hạnh? Phương pháp này chính là chiều theo ý con".
Trời không sinh ra đứa trẻ không hiểu chuyện, chỉ có cha mẹ thiếu cách giáo dục. Trong xã hội ngày nay, nhiều gia đình nghèo không để con cái phải chịu đựng khó khăn, liều mình để nuôi dạy thành những đứa trẻ giàu có, ngược lại có nhiều người giàu lại muốn con mình chịu đau khổ.
Nữ doanh nhân thành đạt Dong Mingzhu (Trung Quốc) đã tập trung vào việc nuôi dưỡng tinh thần vượt khó con trai mình ngay từ nhỏ. Bà không dùng ôtô đưa đón con trai mà luôn để con đi học xe bus.
Một ngày nọ, Dong Mingzhu thấy con mãi không về ăn cơm. Khi con trai về, cậu nói với mẹ rằng đang đợi xe chuyến không có điều hòa, vì nó chỉ mất một đồng, nên đã chờ hơn nửa giờ. Qua đó, người mẹ thấy con trai mình đã trưởng thành, độc lập.
Sau khi lớn lên, đứa con nói với Dong Mingzhu rằng: "Mẹ có thể bắt đầu từ hai bàn tay trắng, con cũng có thể". Gia đình giàu có, nhưng con trai cô làm luật sư với mức lương chưa đến 6.000 tệ/tháng, lái chiếc xe rẻ tiền, ở nhà thuê. Cuộc sống như thế này chính là điều làm cậu hạnh phúc.
Không có đường tắt trên hành trình trưởng thành. Vì vậy, nếu bố mẹ thực sự yêu con, không nên đặt chúng vào chậu mật ong, mà hãy để chúng tự đi tìm nếm thử. Tự mình khám phá sẽ tìm ra giá trị và ý nghĩa của việc phấn đấu.
Bố mẹ thông minh phải biết cách làm con "khổ"
Trong thực tế, không phải đứa trẻ nào chịu khổ rất nhiều, sau này tài năng càng nhiều, cũng không phải vì thế mà đứa trẻ sẽ càng trưởng thành. Ý nghĩa của việc cho con chịu khổ ở đây là để con rèn giũa khả năng vượt qua và hạnh phúc có được sau khi đánh bại đau khổ, con biết cảm thông, biết suy nghĩ.
Mạnh Tử từng nói: "Trời định cho người nào trách nhiệm lớn lao, ắt trước tiên làm cho khốn khó tâm trí, nhọc nhằn gân cốt, thân xác bị đói khát, chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi. Như thế là để lay động tâm trí người ấy, để tính tình người ấy trở nên kiên nhẫn, để tăng thêm tài năng cho người ấy".
Năm 2017, chánh án tòa án tối cao Mỹ John Roberts đã có bài diễn văn được lan truyền khi phát biểu tại lễ tốt nghiệp của con trai. "Thông thường người ta sẽ chúc các con may mắn và mọi điều tốt đẹp trong tương lai. Ta sẽ không làm thế. Từ giờ về sau ta hy vọng con sẽ bị đối xử bất công, bởi chỉ có thế con mới cảm nhận được giá trị của sự công bằng. Ta hy vọng con có thể nếm trải một chút mùi vị của sự phản bội, bởi như vậy con mới lĩnh hội được tầm quan trọng của sự chân thành...".
Do đó, ngay từ khi còn nhỏ, hãy để trẻ em vất vả và suy nghĩ về ý nghĩa của sự đau khổ, học hỏi sự khôn ngoan để vượt qua đau khổ, để cha mẹ sẽ không phải chịu đựng vất vả lúc về già.
Huyền Trang (Theo Abolouwang