Tiến sĩ Hùng Trần: 'Cần dạy cho trẻ tư duy máy tính'

Theo nhà sáng lập Got It, tư duy máy tính giúp học sinh giải quyết vấn đề ở các lĩnh vực khác hiệu quả hơn 5-10 lần, trong talk Nguy - Cơ 20.

Trần Việt Hùng, khách mời của talk Nguy - Cơ 20 tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin ĐH Bách khoa, Hà Nội. Năm 2007, anh được nhận học bổng dành cho bậc tiến sĩ tại Đại học Iowa của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF). Du học mở ra cơ hội lớn để thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Trong thời gian chờ bảo vệ luận án tiến sĩ, anh sáng lập nền tảng tìm gia sư trực tuyến Tutor Universe - tiền thân của nền tảng chia sẻ kiến thức toàn cầu - Got It sau này.


Trần Việt Hùng - Founder Got It

Khát vọng ươm mầm cho thế hệ trẻ

Năm ngoái, founder Got It tuyển một số trẻ làm thực tập sinh ở Got It, cùng các kỹ sư ở Got It đào tạo, dạy dỗ các bạn, và kết quả vượt ngoài mong đợi. Học sinh tiếp thu rất nhanh và những gì các em làm được cũng làm cho đội ngũ ngạc nhiên. Anh ấp ủ ý tưởng dạy công nghệ thông tin cho đông đảo học sinh Việt.

Covid-19 xảy đến, mọi người đều có nhiều thời gian hơn. Hùng tập hợp tất cả những sinh viên đang làm hoặc đang học ở Mỹ tham gia vào dự án STEAM for Vietnam. Tất cả "vốn liếng" có khi làm Got It được Trần Việt Hùng "rót" vào dự án này.

STEAM for Vietnam vận hành như một startup công nghệ, có đầy đủ mọi thứ từ tuyển dụng, xây dựng phần mềm đến vận hành. Mô hìnhh vận hành theo hình thức online kết hợp offline. 3 vấn đề mà STEAM for Vietnam muốn giải quyết. Một là tăng quy mô giáo viên giỏi. Học sinh giỏi hay không, chương trình có hay hay không phụ thuộc vào giáo viên có giỏi hay không. Thực tế thì giáo viên giỏi rất ít. Chúng tôi dùng công nghệ giải quyết vấn đề đó, làm sao cho phép một giáo viên giỏi dạy rất nhiều học sinh.

Thứ hai là thay đổi độ bao phủ. "Nếu theo mô hình truyền thống phải xây trường, quảng cáo, tuyển sinh, tuyển giáo viên thì rất chậm. Bây giờ phải làm sao ngay lập tức khi có chương trình, có giáo viên thì học sinh ở bất kyf đâu, ở vùng sâu vùng xa, ở miền núi, ở trong rừng đều có cơ hội như nhau", doanh nhân sinh năm 1980 giải thích.

Thứ ba là tính cá nhân hóa. Mỗi trẻ có cách học khác nhau. Nếu cách học hợp cách thầy dạy sẽ thấy rất vui vẻ và tiết học trôi qua rất nhanh. Nhưng nếu không, học sinh sẽ thấy tiết học dài dằng dẵng, học không hiểu gì cả, thậm chí chán học. STEAM for Vietnam mong muốn thay đổi điều đó, học trò hợp với thầy nào thì cho thầy đó dạy.

"Các học sinh vẫn đến lớp học như bình thường, nhưng mỗi học sinh có một máy tính. Cùng giờ đấy, cùng môn đấy, các bạn học toán cùng một lúc học Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ai cũng được tiếp xúc với thầy giỏi, học trò vẫn đến lớp, vẫn có những tương tác xã hội để phát triển như bình thường", Hùng lý giải.

Theo định hướng này, từ khóa đầu STEAM for Vietnam đào tạo đến 7.000 học sinh ở 34 quốc gia khác nhau. Có lớp học thu hút 5.000 sinh viên cùng lúc.

Nội dung giảng dạy được xây dựng để học sinh cảm thấy thích thú. Học mà chơi, chơi mà học, vừa học vừa làm. Đơn vị cũng chú trọng đào tạo về kỹ năng mềm. Ví dụ STEAM for Vietnam đã làm việc với NASA trong 6 tuần để mời một nhà khoa học gia.

Học sinh được nghe kể chuyện, được giao lưu hỏi đáp với chuyên gia. Sau những buổi học, giấc mơ của trẻ con đi xa hơn. "Các em thấy người giỏi, người thật việc thật, có thể ước mơ như người ta chứ không chỉ ước mơ mua đồ chơi mới hay Tết này được đi đâu nữa. Điều đó có thể thúc đẩy trẻ đi xa hơn rất nhiều", Hùng Trần nói.

"STEAM for Vietnam - biến công nghệ phục vụ mình"

Điều đội ngũ STEAM for Vietnam không ngờ tới là tác động của khóa học: thay đổi nhiều quan niệm của bố mẹ và học sinh về học lập trình. Mẹ một học sinh viết lại gửi cho STEAM là bạn ấy ăn một bữa cơm mất 1 tiếng, bây giờ chỉ 15 phút là xong vì phải chuẩn bị đến giờ học buổi tối.

Cũng ít có một lớp học nào bình thường khi kết thúc, học trò "khóc như mưa". Bố mẹ quay lại được ngày các học sinh đó buồn. Với lớp học bình thường, khi lớp học kết thúc học sinh thở phào, nhưng ở đây các bạn rất buồn. Nhiều em đến giờ học cũ, lôi bài cũ ra xem và thấy nhớ. Khi STEAM for Vietnam công bố các lớp học mới, học trò đăng ký liên tục.

Tháng 8,9 năm ngoái lúc diễn ra lớp học đầu tiên, những dự án học viên làm được đăng trên Scratch - công cụ lập trình STEAM for Vietnam dùng để giảng dạy - lên đến hàng chục nghìn, chiếm đến 90% dự án của Scratch. Những kết quả này vượt ngoài mong đợi của ban tổ chức lẫn người tham gia.

Theo Trần Việt Hùng, những người làm công nghệ rất giỏi như Elon Musk, Bill Gates, Mark Zuckerberg... đều làm quen với máy tính, học công nghệ từ lứa tuổi lên 10. Vì vậy, nếu số lượng lớn trẻ em được định hướng và dạy dỗ tốt sẽ là lực lượng công nghệ thay đổi được rất nhiều thứ sau này. Trong cả triệu bạn trẻ cấp một, cấp hai bây giờ, chỉ cần một vài người làm được cái gì đó thôi thì có thể sẽ thay đổi cuộc chơi.

Theo đó, Việt Nam cần xây dựng một lực lượng đông đảo để tạo nên sự thay đổi tích cực. Dự án STEAM for Vietnam được xây dựng cho tương lai 10-20 năm nữa, không phải hôm nay hay ngày mai.

"Chủ đích của cả đội ngũ tập trung vào lứa tuổi cấp 2 vì lứa tuổi này sẽ tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn, là lực lượng công nghệ sau này, không quan trọng là người Việt Nam hay không mà có thể cạnh tranh sòng phẳng với trẻ em cùng trang lứa khắp nơi trên thế giới", Hùng chia sẻ.

Theo nhà sáng lập Got It, phụ huynh không nên ép các con học quá nhiều. Học giỏi, thi giỏi chỉ chứng minh mình có đầu óc tốt, còn để thành công còn rất nhiều yếu tố khác nữa. Trong đó có sự phát triển đồng đều.

Khi trẻ lớn lên, ra ngoài phải gặp những vấn đề ngoài cuộc sống phải giải quyết. Thì tại thời điểm đó không chỉ dùng mỗi toán, lý, hóa, ngoại ngữ mà phải vận dụng tất cả kiến thức mới giải quyết vấn đề, nên biết được càng nhiều thì khả năng giải quyết vấn đề càng tốt.

Thứ hai là công nghệ, học lập trình không chỉ để làm công nghệ mà học để có tư duy, có cách biến công nghệ phục vụ mình. "Cách giải quyết vấn đề này nếu vận dụng tốt như một bản năng thì làm ở bất kì ngành nghề gì sẽ hiệu quả 5-10 lần. Nếu không có tư duy máy tính sẽ rất khó để thành công, thậm chí có thể thành người thừa", Hùng nói.